Chẳng sai khi nói nghệ thuật kiến trúc phản ánh một phần nào văn hóa dân tộc và thời đại. Bên cạnh đó, con người ta thường có xu hướng hoài niệm, tìm về những giá trị xưa cũ. Phong cách Indochine – phảng phất văn hóa phương Tây nhưng vẫn đậm chất Á Đông ngày một thịnh hành là minh chứng cho điều này.
Hãy cùng Homepluz tìm hiểu căn nguyên nào khiến phong cách này càng ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam.
Nguồn gốc
Indochine vốn là cụm từ để chỉ các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia – đều thuộc bán đảo Đông Dương.
Chúng ta không thể khẳng định phong cách Indochine thừa hưởng từ kiến trúc Việt Nam, bởi đây là sự pha trộn giữa cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Lần đầu tiên xuất hiện tại nước ta với tên gọi “phong cách thực dân” vào những năm 80 khi Pháp bắt đầu những cuộc xâm lăng, phong cách Indochine dần dà phát triển và trở nên phổ biến nhất vào những năm 1920 – 1930.
Sự trở lại của phong cách Indochine trong thiết kế nội thất ngày càng chứng tỏ được giá trị duy mĩ, bề dày lịch sử và văn hóa của mỗi công trình mang phong cách này.
Đặc trưng trong thiết kế phong cách Đông Dương (Indochine)
Chất liệu
Phong cách này lấy chất liệu chủ yếu từ những tài nguyên thiên nhiên có sẵn tại từng khu vực, cụ thể ở Việt Nam là gỗ, tre, mây, gạch được sử dụng nhiều nhất.
Chất liệu gỗ
Mang trọn hơi thở Indochine, vật liệu gỗ thường được phủ đen bóng, mang lại vẻ sang trọng cho không gian kiến trúc. Chẳng phải vô tình mà xưa nay trong những căn nhà cổ, ta thường thấy vật liệu gỗ được sử dụng làm nét chủ đạo chính bởi tính bền và chắc theo thời gian.
Các hạng mục như hệ thống kết cấu, khung mái, trần nhà, cửa…tới các họa tiết trang trí như phù điêu, tượng,…thường được tận dụng triệt để khi đưa phong cách Indochine vào căn nhà.
Chất liệu tre nứa, mây
Mây, tre thường được đưa vào kiến trúc Indochine cũng chính vì sự tiện lợi, dễ kiếm, có mặt ở khắp mọi nơi, lại bền đẹp, có tính ứng dụng cao nhờ khả năng chống mối mọt.
Chất liệu mây, tre xuất hiện chủ yếu trong các vật trang trí gia đình, bình phong hay các bàn ghế, tủ,…
Chất liệu gạch
Một yếu tố làm nên sức hút của Indochine chính là họa tiết gạch bông độc đáo – lấy nguồn cảm hứng bất tận từ văn hóa Đông Sơn xa xưa. Thay cho gạch đá thường thấy, gạch bông cứng cáp hơn, có tính thấm hút nước cao cùng với độ bền đáng kể – hoàn toàn phù hợp với thời tiết, khí hậu tại Việt Nam.
Màu sắc chủ đạo
Thổi hồn cho phong cách Indochine chính là ba màu sắc trung tính: vàng, trắng, kem, tạo cảm giác mát mẻ, thư thái. Tương truyền trước kia khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp rất khó thích nghi với khí hậu nóng ẩm, chúng đã xây những công trình mang khuynh hướng kiến trúc này để lấy lòng những nhà quý tộc ngày đó.
Cũng phỏng theo lời giải thích của người xưa, ba màu sắc này thể hiện sự vương giả, quyền quý, là màu sắc thường đưa vào cung đình của vua chúa.
Họa tiết trang trí
Có thể thấy, nét đẹp giao thoa giữa hai nền văn hóa phương Tây và phương Đông được thể hiện rõ ràng trên phương diện các họa tiết trang trí.
Mái vòm – họa tiết thường bắt gặp ở các nước phương Tây xa xưa được tái hiện lại trong phong cách Indochine, đem lại không gian thanh nhã, thư thái và đầy tinh tế cho nét kiến trúc căn nhà.
Ảnh hưởng từ thời Hán thuộc, các họa tiết hình vuông cũng thường được xuất hiện. Hình mẫu nằm trong các khối vuông thường là các Hán tự như “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”,..cách điệu.
Họa tiết Kỉ hà cũng thường được ứng dụng trong phong cách này, với hình tượng mai rùa mắc lưới, đồng tiền vàng với những nét cong thẳng không đều nhau…tất cả tạo nên những nét chấm phá tinh tế, hữu tình. Cùng với đó, chi tiết này cũng thường được sử dụng trong các vách ngăn hay tấm chắn trang trí bởi vừa có sự thông thoáng nhất định mà vẫn đảm bảo được tính sang trọng cho tổng thể công trình.
Một số căn hộ mang phong cách Đông Dương
Cùng Homepluz điểm qua những mẫu căn hộ theo phong cách Indochine tinh tế, nhã nhặn dưới đây!